Kho phần mềm và ứng dụng cho Linux nói chung và Ubuntu nói riêng là cực kì lớn, nhưng vì là một môi trường "tương đối mới" – nhất là với những người dùng phổ thông đã quen với Windows nên việc tìm và cài đặt được những thứ mình cần trên Linux là khá khó khăn. Dưới đây là một số cách để cài đặt được những phần mềm mới cho Ubuntu dựa vào những công cụ sẵn có.
Phần mềm trên Linux được phân phối như thế nào?
Trên Windows, phần mềm thường được phân phối ra dưới dạng file cài đặt .msi hoặc .exe thì trên Linux cũng gần tương tự như vậy, có điều trên Linux có nhiều hình thức hơn so với Windows. Phần mềm cho Linux thường có ở dưới những dạng sau:
- Trong bộ đĩa cài đặt (thường với những bản phân phối lớn như Redhat, openSuse, Mandriva…)
- Trên trang web của nhà sản xuất (thường có sẵn hướng dẫn cài đặt cho từng hệ thống)
- Trên các repository (gọi tắt: repo) là các nơi chứa phần mềm tập trung trên mạng dành riêng cho một hệ thống nào đó. Trong đó, Ubuntu và Debian sử dụng repo nhiều nhất, kế đến là Fedora và openSuse. Mọi phần mềm đều được chứa tại repo và khi nào người dùng cần thì phần mềm sẽ được tải về từ repo, sau đó cài lên máy. Rất tiện lợi cho việc cập nhật và nâng cấp phần mềm.
Các gói cài đặt phần mềm có thể được lưu ở dạng file chạy trực tiếp (như .exe thường thấy trên Windows…) hoặc ở các định dạng phân phối dành riêng mà phổ biến nhất là .RPM và .DEB (các gói phần mềm này có thể cài đặt dễ dàng và gần như đã thành chuẩn chung cho việc phân phối phần mềm). Phần mềm cũng có thể được phân phối dưới dạng mã nguồn (nhất là phần mềm nguồn mở), người dùng phải tự biên dịch trên máy rồi cài đặt.
RPM và DEB là gì?
Như đã nói ở trên, RPM và DEP là hai định dạng phân phối phần mềm rất phổ biến dành riêng cho Linux. RPM (Redhat package manager) và DEB (Debian software package), chúng giống như định dạng file nén mà trong đó chứa tất cả nhưng file chạy và cấu hình của phần mềm, thông tin về phần mềm, nhà sản xuất, những yêu cầu về hệ thống… Hệ điều hành Linux sẽ có một phần mềm chuyên dùng để cài đặt các gói phần mềm dạng này, nói chung thì phần mềm kiểu này rất dễ dàng để cài đặt.
RPM thường được dùng trong các hệ thống của Redhat như Fedora, openSuse,… còn DEB lại được dùng trên các hệ thống của Debian gồm Debian, Ubuntu…
Mỗi file RPM hoặc DEB chỉ chứa một phần mềm hoặc một phần nào đó của phần mềm. Vì vậy thường khi cài một phần mềm phải cài đặt kèm theo 1, 2 hay thậm chí cả chục gói khác, nên đôi khi xảy ra tình trạng không thể cài đặt do thiếu một gói nào đó. Khi cài đặt bao giờ cũng có một quá trình kiểm tra xem toàn bộ gói cần thiết đã có đầy đủ chưa, nếu thiếu một gói nào đó, quá trình cài đặt sẽ dừng lại. Công việc này được gọi là "check dependency".
Chính vì sự ràng buộc đó nên chúng ta mới cần đến những phần mềm hỗ trợ cài đặt. Những phần mềm này sẽ tự động tải về hoặc tìm tất cả những gói có liên quan rồi lần lượt cài đặt chúng theo đúng thứ tự. Nhờ đó mà việc cài đặt sẽ trở nên suôn sẻ và dễ dàng hơn.
Cài đặt phần mềm
Trong hệ điều hành Linux, có 4 cách cơ bản nhất để cài đặt phần mềm mới như sau:
- Add/Remove (đơn giản nhất, giống Add/Remove trong Control Panel của Windows)
- apt (chạy từ cửa sổ dòng lệnh)
- synaptic (gần như trình Add/Remove nhưng mạnh hơn)
- Cài đặt trực tiếp từ gói phần mềm, hoặc biên dịch từ mã nguồn
1. Sử dụng Add/Remove
Dễ sử dụng và quen thuộc nhất có lẽ là trình Add/Remove sẵn có trong mọi bản Ubuntu.
Bạn chọn menu Applications > Add/Remove... để mở trình cài đặt phần mềm dành riêng cho Ubuntu.
Bạn chọn menu Applications > Add/Remove... để mở trình cài đặt phần mềm dành riêng cho Ubuntu.
Các hạng mục phần mềm sẽ nằm ở khung bên trái. Khung bên phải sẽ là danh sách các phần mềm, thông tin về phần mềm. Tính năng Search giúp chúng ta tìm kiếm dễ dàng hơn, khi muốn cài đặt phần mềm nào chỉ cần đánh dấu chọn và ấn Apply ở dưới.
Chú ý rằng phần mềm cho Ubuntu được chia làm nhiều hạng mục, mặc định sẽ chỉ hiển thị những phần mềm "hoàn toàn tương thích" hoặc "hoàn toàn phù hợp" với Ubuntu. Nhưng bên cạnh đó vẫn có rất nhiều phần mềm thuộc hãng thứ ba, hoặc những phần mềm chưa được "xếp hạng". Bạn nhắp vào mục chọn Show và chọn danh mục tương ứng để xem cho đầy đủ danh sách phần mềm (tốt nhất là chọn "All available applications").
2. Sử dụng apt-get với cửa sổ dòng lệnh
Khi đã quen thuộc với Linux, thì việc dùng dòng lệnh có lẽ thuận tiện hơn vì khi dùng Add/Remove bạn khó có thể cài đặt riêng một gói thay vì cài trọn cả phần mềm. Thao tác thực hiện như sau:
Chọn menu Applications > Accessories > Terminal để mở cửa sổ dòng lệnh, và từ đó bạn có thể thử những lệnh dưới đây:
- sudo apt-get install xyz: lệnh tiến hành tải về và cài đặt gói xyz (xyz là tên gói cần cài đặt - sẽ cài thêm cả những gói liên quan nếu cần)
- sudo apt-get remove xyz: lệnh gỡ bỏ gói đã cài (có thể sẽ gỡ thêm cả những gói khác nếu thấy không cần đến nữa)
- sudo apt-cache search xyz: lệnh tìm kiếm để đưa ra danh sách những gói có từ cần tìm (giống chức năng search trong Add/Remove)
3. Synaptic: vỏ giao diện cho apt-get
Nói đúng ra thì synaptic không liên quan gì mấy đến apt-get, nhưng quả thực synaptic giống như việc chúng ta dùng apt-get mà có thêm giao diện cửa sổ.
Chọn menu System > Administration > Synaptic Package Manager để mở chương trình này. Chú ý sẽ có hộp thông báo yêu cầu nhập mật khẩu.
Synaptic khó sử dụng hơn hai cách ở trên, nó cho phép bạn cài đặt những gói phần mềm riêng lẻ. Nói chung nó là công cụ cho những người giàu kinh nghiệm hoặc sử dụng Linux lâu năm, không phù hợp lắm với những người mới bắt đầu "trải nghiệm" Linux.
4. Cài đặt trực tiếp từ file .rpm và .deb
Nếu bạn có sẵn file RPM hoặc DEB ở đâu đó trong máy tính thì bạn hoàn toàn có thể cài đặt trực tiếp từ các file đó, miễn là phải đủ các file cấu thành phần mềm (việc này sẽ tránh cho việc phải tải lại từ đầu). Một điều cũng hết sức quan trọng là bạn phải có bản dành cho đúng hệ máy. Ví dụ các file .rpm thường dùng cho Redhat, openSuse, trong khi đó file .deb thường dùng cho Debian và Ubuntu.
Ngoài ra còn là số phiên bản của phần mềm, sử dụng cho loại máy nào. Ví dụ các phần mềm cho máy Intel hay AMD 32bit thường có phần "i386″ hay "i586″ trong tên, cho máy 64bit thì trong tên gói phần mềm sẽ có kí hiệu "am64″, cho các máy dùng chip PowerPC thì có kí hiệu "ppc". Điều này là rất quan trọng vì nếu có gói mà không phù hợp thì bạn cũng không thể cài đặt được.
Để cài file .deb trên Ubuntu thì bạn chỉ việc mở file đó ra như một file bình thường khi đang duyệt thư mục trong Nautilus (trình quản lí tập tin trong Gnome), chương trình quản lí file deb sẽ tự chạy. Chúng ta chỉ việc click vào Install mà thôi.
Còn với file .rpm muốn cài đặt lên Ubuntu phải được chuyển đổi sang dạng .deb. Nhưng nói chung không nên làm như vậy vì thường sẽ xảy ra vấn đề là thiếu tính tương thích. Trên những hệ thống Linux dùng định dạng file .rpm bạn có thể cài file bằng lệnh: su rpm -i xyz với xyz là tên gói cần cài đặt.
Theo vnreview.vn
0 nhận xét :
Đăng nhận xét